Trang chủ » Năm 2022 nên đầu tư gì?

Năm 2022 nên đầu tư gì?

bởi thanhdiabitcoin
Năm 2022 nên đầu tư gì?

Năm 2022 nên đầu tư gì? 2021 vừa qua là một năm đáng nhớ, được đánh giá là một năm “hoang dã và đầy cảm xúc” với  sự bùng nổ của các kênh đầu tư. Tài sản kỹ thuật số lên ngôi, đầu tư vào công nghệ mới trở thành xu hướng, làn sóng đổ tiền vào chứng khoán trong bối cảnh lãi suất thấp và sự vươn lên mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân. Năm 2022 được dự báo là sẽ tiếp tục những xu hướng này. Sau năm 2021 bùng nổ, chứng khoán và bất động sản vẫn được dự báo là 2 kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2022. Tuy nhiên, môi trường đầu tư nhiều yếu tố bất định, tình hình dịch bệnh phức tạp vẫn tiếp diễn, nhà đầu tư cần nắm rõ rủi ro có thể gặp phải trước khi quyết định đầu tư.

1. Vàng kém tích cực nhất: 

Trong bối cảnh giá vàng thế giới giảm gần 6,5% trong năm, nhà đầu tư trong nước cũng chịu mức thua lỗ gần 6% khi giá vàng nhẫn giảm từ 54,9-55,45 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) hồi đầu năm xuống còn 52,25-52,95 triệu/lượng. Tuy nhiên, nếu để tiền mua vàng miếng, với mức tăng 5,5 triệu đồng/lượng, nhà đầu tư lại ghi nhận mức ghi nhận khoản lãi 4,8 triệu/lượng, tương đương 8,6% giá trị đầu tư.

Vàng kết thúc năm 2021 là một trong những kênh đầu tư kém tích cực nhất. Tuy nhiên, năm nay, nhiều chuyên gia dự báo kim loại quý có thể vượt 2.000 USD để thiết lập mức cao kỷ lục mới. Trong khi giới phân tích đang chia ra với nhiều quan điểm khác nhau về vàng, các nhà đầu tư nhỏ lẻ có phần đồng thuận hơn với xu hướng tăng.

2. Tiền gửi ngân hàng và đầu tư ngoại tệ:

Số ít kênh đầu tư năm 2021 ghi nhận mức lợi suất thấp hơn năm 2020 và giai đoạn trước dịch Covid-19 là tiền gửi ngân hàng. Cụ thể, theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, sau khi giảm bình quân 1-1,5% trong năm 2020, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng đã giảm thêm 1% từ đầu năm 2021.

Đầu năm 2021, mức lãi suất tiền gửi bình quân các ngân hàng áp dụng với kỳ hạn 12 tháng trở lên dao động khoảng 5,6-6%/năm, thấp hơn gần 2 điểm % so với trước dịch. Trong đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng phổ biến của nhóm ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) và các ngân hàng tư nhân cỡ lớn chỉ dưới 6%/năm.

Tuy nhiên, đây vẫn là mức lợi suất tích cực hơn nhiều so với kênh đầu tư ngoại tệ. Trong bối cảnh đồng USD tăng 6,8% trong năm 2021, dù NHNN vẫn giữ quan điểm điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt, tỷ giá USD/VNĐ vẫn ghi nhận xu hướng giảm trong năm. Cụ thể, tỷ giá USD/VNĐ đầu năm 2021 được các ngân hàng thương mại lớn niêm yết ở mức 23.035 – 23.215 đồng/USD (mua vào – bán ra). Đến cuối năm, tỷ giá ngoại tệ này được mua vào phổ biến ở mức 22.640 đồng/USD và bán ra ở 22.920 đồng/USD, tương đương mức giảm 1,3%.

Các chuyên gia dự báo Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng theo hướng hỗ trợ phục hồi cho nền kinh tế. Theo đó, lãi suất tiền gửi ngân hàng dự kiến vẫn duy trì ở mức thấp, với việc cầu tín dụng phục hồi nhưng chưa trở lại như trước dịch. NHNN mới đây cũng đã tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay trong năm 2022, điều này khiến mặt bằng lãi suất tiền gửi khó tăng mạnh trong năm nay.

3. Chứng khoán bùng nổ: 

Dù Covid-19 đã gây trở ngại trong nhiều lĩnh vực trên cả nước nhưng với các nhà đầu tư chứng khoán, họ lại có thêm một năm thăng hoa khi VN-Index lại phá đỉnh. Trong năm vừa qua, chỉ số VN-Index đã tăng từ vùng 1.119 điểm lên 1.498 điểm, tương đương tăng 33,7%. Thậm chí, đà tăng mạnh hơn còn ghi nhận với chỉ số HNX-Index khi tăng từ 206 điểm lên gần 474 điểm, tương đương gần 130%.

Chứng khoán bùng nổ

Xét trong nhóm 30 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn HoSE, có tới 24/30 mã ghi nhận tăng trưởng dương. Trong đó, nhiều cổ phiếu ghi nhận mức tăng 3 con số như NVL (Novaland) tăng 151%; SSI (Chứng khoán SSI) tăng 128%; PDR (Bất động sản Phát Đạt) tăng 126%… Nếu đầu tư bình quân vào nhóm VN30 này, nhà đầu tư sẽ ghi nhận mức lợi suất 45% cho cả năm 2021. Tỷ suất lợi nhuận cao gấp 5 lần đầu tư vàng và gấp 7 lần gửi tiết kiệm ngân hàng.

Động lực chính là số nhà đầu tư mới tham gia và dòng tiền nhàn rỗi trong dân cư chảy vào mạnh, trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm vẫn thấp và nhiều kênh đầu tư khác giảm sức hút vì dịch bệnh. Tình trạng nghẽn lệnh trên hệ thống của HoSE được Tập đoàn FPT giải quyết vào đầu tháng 7 cũng cởi trói tâm lý cho nhà đầu tư và tạo bệ phóng để dòng tiền lên cao.

Nhận định của chuyên gia về chứng khoán

TS Quách Mạnh Hào, Giảng viên ngành tài chính – ngân hàng tại Đại học Lincoln (Anh), dự báo thị trường năm 2022 sẽ còn tích cực, ít nhất là duy trì mức chỉ số cao. Tuy nhiên, dòng tiền có thể quay lại của các ngành cơ bản, những doanh nghiệp có nội tại tốt, thay cho làn sóng đầu cơ trong nửa cuối năm 2021.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, với việc nhà đầu tư trong nước ồ ạt mở tài khoản chứng khoán cuối năm 2021, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2022. Bên cạnh đó, động lực giúp thị trường chứng khoán tích cực hơn trong thời gian tới là chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng, ngân hàng giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài ra, việc lãi suất tiền gửi ngân hàng duy trì ở vùng thấp cũng khiến dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân dịch chuyển sang các loại hình đầu tư khác, trong đó có chứng khoán.

Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng các nhà đầu tư nếu lựa chọn để tiền vào chứng khoán cần chú ý danh mục cơ cấu theo hướng nắm giữ các cổ phiếu được hưởng lợi hoặc không bị ảnh hưởng nhiều từ dịch bệnh. Ngoài ra, nhà đầu tư không nên “bỏ trứng vào một giỏ” mà cần phân bổ tỷ trọng đầu tư vào các loại tài sản khác nhau từ vàng, chứng khoán, bất động sản… một cách hợp lý.

4. Bất động sản sôi động không kém chứng khoán:

Bất động sản năm 2021 như thế nào?

Bất động sản luôn là kênh đầu tư nhận được nhiều quan tâm trên thị trường. Trong năm 2021, với mức tăng tốt của thị trường chứng khoán, đã có những chuyên gia dự báo rằng dòng tiền có thể chốt lời và chuyển sang kênh đầu tư này, góp phần tạo nên sự sôi động của thị trường bất động sản trong năm nay. Năm 2021 ghi nhận tình trạng sốt đất xảy ra khắp nơi, đặc biệt tại các tỉnh, thành đón nhận làn sóng dịch chuyển nhà máy công nghiệp từ nước ngoài.

Theo báo cáo thị trường nhà ở TP.HCM của CBRE Việt Nam, bất chấp dịch bệnh ảnh hưởng tới nền kinh tế, giá bất động sản tại TP.HCM vẫn tăng liên tục trong năm vừa qua. Tại Hà Nội, báo cáo thị trường bất động sản của Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết giá bán căn hộ sơ cấp tại đây đã tăng liên tục từ đầu năm 2021 đến hết quý III. Trong đó, việc thiếu nguồn cung phân khúc tầm trung và bình dân cùng với nhu cầu cao đã khiến giá bán tăng 7,5-10,6% so với cùng kỳ. Tương tự, giá đất thứ cấp tại Hà Nội dù ghi nhận giảm trong quý III do làn sóng Covid-19 lần thứ 4, nhưng so với cùng kỳ, giá đất tại 16/16 quận huyện Hà Nội vẫn tăng, cao nhất hơn 20% so với năm 2020.

Giá bất động sản được dự báo tiếp đà tăng trong năm 2022.

Nhận định của chuyên gia về bất động sản

Theo đánh giá của ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, năm nay thị trường nhiều khả năng thiết lập mặt bằng giá mới cao hơn năm 2021 do tác động vết dầu loang từ kết quả phiên đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm lập đỉnh cuối năm ngoái. Bên cạnh đó, các tác động nặng nề của đợt dịch lần thứ tư lên nhiều ngành nghề kinh doanh và nền kinh tế cũng khiến cho nhà đầu tư dịch chuyển dòng tiền vào nhóm tài sản nhà, đất và các loại hình bất động sản gắn liền với đất để tìm kênh trú ẩn an toàn trong 12 tháng tới.

Ông Nguyễn Lộc Hạnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Ngọc Châu Á dự báo giá bất động sản, đặc biệt giá nhà tại TP HCM và các tỉnh lân cận nhiều khả năng tiếp đà tăng trong năm 2022. Nguyên nhân giá bất động sản vẫn leo thang là các chi phí đầu vào gồm: quỹ đất, pháp lý, xây dựng, lãi vay… đều đội lên từ năm 2021 sẽ tạo thành chi phí đẩy khiến sản phẩm đầu ra chịu nhiều áp lực tăng giá.

Bên cạnh đó, các dự báo quan ngại về nguy cơ lạm phát tăng trong những năm tới cũng khiến cho giá bất động sản bị ảnh hưởng từ tâm lý đội giá. Việc bất động sản tăng giá có thể gây áp lực cho hoạt động đầu tư vì đòi hỏi dòng vốn ngày càng lớn hơn trước.

Các chuyên gia phân tích tại VNDirect cũng cho rằng thị trường bất động sản nhà ở sẽ phục hồi từ năm 2022, dựa trên 3 yếu tố, gồm nguồn cầu được thúc đẩy mạnh mẽ bởi thị trường phục hồi trên diện rộng; lãi suất vay mua nhà thấp; và nguồn cung mới hồi phục ấn tượng nhờ nới lỏng pháp lý.

5. Tài sản kỹ thuật số trở thành xu hướng:

Cũng như chứng khoán, kênh đầu tư này lên ngôi khi các kênh thay thế không hấp dẫn, lãi suất tiền gửi ngày càng giảm. Nếu ở những kênh đầu tư truyền thống, lãi 30-50% đã là con số ấn tượng thì trên thị trường tiền số, khoản lợi nhuận có thể gấp vài chục, thậm chí vài trăm lần.

Năm nay, tài sản kỹ thuật số sẽ tiếp tục là một kênh đầu tư đáng chú ý. Tuy nhiên, theo ý kiến các chuyên gia được CNBC tổng hợp, thị trường đầu tư tiền số năm 2022 có thể tiếp tục như “tàu lượn siêu tốc”.

Theo dự đoán giá Bitcoin sẽ lên 300000 đô trong đầu năm 2022

Một số chuyên gia tin rằng Bitcoin sẽ giảm mạnh trong những tháng tới, thị trường chứng kiến sự lao dốc, thậm chí về dưới mức đáy năm 2021. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia giá Bitcoin có thể cán mốc 300.000 USD, thậm chí lên cao hơn. Ngoài ra, các xu hướng mới liên tục xuất hiện, tạo nên những làn sóng đầu tư mới trên thị trường tiền số.

You may also like

Để lại bình luận